Fanpage

HỔ TRỢ TRỰC TUYẾN

Tổng đài tư vấn

02563 53 55 88

Ms. Yến Giám Đốc

0914 175 878

Ms. Phương

0985 528 587

giỏ hàng

Hiện giỏ hàng của bạn có:

Số lượng0 sản phẩm

Thành tiền0 đ

Thanh toán

QUẢNG CÁO

Thống kê truy cập

Tổng lượt truy cập

  • 1
  • 1
  • 3
  • 9
  • 4
  • 1
  • 8

Số người đang xem

  • 2
  • 2
  • 5
  • 7

ĐÔI NÉT VỀ BÌNH ĐỊNH

Đôi nét về đất nước con người Bình Định

 

1. Bình Định, một dải đất hẹp ven biển Trung Trung bộ, rộng gần 6.100km2. Phía Bắc có đèo Bình Đê làm ranh giới tự nhiên với tỉnh Quảng Ngãi. Đèo Cù Mông hiểm trở ở phíaNam nối liền với tỉnh Phú Yên. Vượt qua đèo An Khê ở phía Tây, là bước lên đất Gia Lai và Tây Nguyên bao la. Bờ biển phía Đông khúc khuỷu dài hơn 140 km với nhiều cửa sông, cồn bãi, đầm vịnh, ghềnh mũi, bán đảo và hải đảo mênh mông sóng vỗ.

Hiện nay tỉnh Bình Định có 3 huyện miền núi (An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh), 7 huyện đồng bằng (Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước và TP Quy Nhơn - thành phố loại 2 thuộc tỉnh). Dân số toàn tỉnh gần 1,5 triệu người, gồm 4 dân tộc anh em Kinh, Bana, H’re, Chăm và một số ít người Việt gốc Hoa.
 
2. Xa xưa, từ năm 938-1470, vùng đất này đã từng là trung tâm của vương quốc Chăm-pa cổ đại với kinh thành Đồ Bàn hiện còn di tích ở thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, cùng nhiều phế tích in đậm sắc thái văn hóa nghệ thuật của dân tộc Chăm tạo thành quần thể kiến trúc chung quanh thành Đồ Bàn như Thành Cha, Tháp Cánh Tiên (An Nhơn), Thành đá Tà Cơn (Vĩnh Thạnh), Tháp Dương Long (Tây Sơn), Tháp Bánh Ít (Tuy Phước), tháp Đôi (Quy Nhơn)…
Dưới triều Lê sơ, từ đời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi, 1428-1433) đất Đại Việt đã mở rộng vào đến Quảng Nam. Năm Hồng Đức thứ nhất (1471) vua Lê Thánh Tông lấy vùng đất phía Nam Quảng Nam, từ đèo Bình Đê đến đèo Cù Mông lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn thuộc Thừa Tuyên Quảng Nam. Đây là vùng đất nguyên thủy của Bình Định ngày nay.
Dưới triều hậu Lê (1533 -1789), Trịnh - Nguyễn phân tranh, đất nước loạn lạc, giang sơn bị chia cắt, dân hai miền Nam - Bắc lâm cảnh nồi da xáo thịt. Một bộ phận dân ở Bắc Trung bộ trở ra là nạn nhân của vua Lê, chúa Trịnh, ào ạt di cư vào Nam cùng với quân sĩ của chúa Trịnh hầu hết là tráng đinh trẻ khỏe bị chúa Nguyễn bắt làm tù binh đưa vào khai phá vùng đất mới phía Nam.
Từ năm Nhâm Dần (1602) đến năm Nhâm Tuất (1742), các chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Khoát ba lần đổi tên phủ Hoài Nhơn thành Quy Nhơn, Quy Ninh rồi lại Quy Nhơn vẫn gồm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn thuộc Thừa tuyên Quảng Nam.
Khoảng đầu thế kỷ XVIII, căm ghét bọn tham quan ô lại và bọn địa chủ cường hào sách nhiễu dân lành, Võ Văn Doan tục gọi là chàng Lía, một thanh niên nghèo giỏi võ nghệ đã chiêu mộ nông dân cùng khổ xây thành đắp lũy ở khu vực Truông Mây - Hóc Sấu (Ân Đức - Hoài Ân), dấy binh khởi nghĩa chống chúa Nguyễn. Với khẩu hiệu “Lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”, nghĩa quân Võ Văn Doan đã đánh cướp nhiều gia sản của bọn hào phú, răn đe chúng không được nhũng nhiễu ức hiếp dân nghèo, bao vây tấn công phủ thành Quy Nhơn ở Châu Thành (nay thuộc xã Nhơn Thành huyện An Nhơn). Chúa Nguyễn phải huy động nhiều binh mã đàn áp, bao vây triệt hạ căn cứ Truông Mây, đẩy nghĩa quân lâm vào cảnh thế cô lực kiệt, đành chịu thất bại.
Cuộc khởi nghĩa chàng Lía là khúc dạo đầu của phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, gây ảnh hưởng khá rộng trong nhân dân phủ Quy Nhơn lúc bấy giờ, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong ký ức và truyền thuyết dân gian:

Chiều chiều én liệng Truông Mây

Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành.
 
3. Trong đợt giao tranh Trịnh - Nguyễn những năm 1653- 1657, quân chúa Nguyễn đánh ra Đàng ngoài chiếm 7 huyện của trấn Nghệ An, bắt nhiều dân đưa vào khai phá vùng đất mới Đàng trong, trong đó có tổ tiên anh em nhà Tây Sơn vốn người họ Hồ huyện Hưng Nguyên, vào lập ấp Tây Sơn Nhất ở vùng núi An Khê miền Tây huyện Tuy Viễn, từ đó họ Hồ đổi thành họ Nguyễn. Đến đời Nguyễn (Hồ) Phi Phúc dời xuống ấp Kiên Thành (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn), sinh được ba người con trai Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ.
Thuở nhỏ ba anh em họ Nguyễn theo học thầy giáo Hiến là môn khách của Trương Văn Hạnh làm quan Nội hữu thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1765 - 1777). Trương Văn Hạnh bị quyền thần Trương Phúc Loan ganh ghét giết hại. Giáo Hiến sợ liên lụy phải trốn vào Quy Nhơn mở trường dạy học tại ấp An Thái huyện Tuy Viễn (nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn). An Thái là vùng đất võ nổi tiếng ở Bình Định, dân gian có câu: “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”. Hàng ngày được thầy giáo Hiến rèn dạy cả văn lẫn võ, ba anh em họ Nguyễn lại được thúc giục bởi câu sấm “Tây khởi nghĩa, Bắc thụ công” (nổi dậy ở miền Tây, nên đại nghiệp trên đất Bắc). Giáo Hiến thường khích lệ học trò “Là người đất Tây Sơn, hãy cố lên!”. Trong 3 anh em họ Nguyễn, Nguyễn Huệ (sinh năm 1752) trí dũng văn võ song toàn, có chí khí hơn cả.
Năm Tân Mão (1771) ba anh em họ Nguyễn trở về vùng Tây Sơn thượng đạo lập đồn trại, tích trữ lương thực, rèn sắm vũ khí, dụng cờ khởi nghĩa.
Với mục tiêu hợp lòng dân “Phò Lê diệt Trịnh”, thống nhất giang sơn, ngọn cờ đại nghĩa của Tây Sơn đã chiêu tập hàng ngàn nông dân bị cuộc sống dồn nén, xô đẩy đến bước đường cùng phải vùng dậy chống cường quyền, áp bức, bất công; trọng dụng nhiều hào kiệt hảo hán đã từng xã thân vì nghĩa lớn, lôi kéo cả những tù trưởng các dân tộc thiểu số vùng Nam Trường Sơn. Trong đó có những người tài ba, thao lược trong vùng như Đặng Văn Long, Võ Văn Dũng, Nguyễn Văn Lộc, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân….Tiêu biểu trong số tướng lĩnh của nhà Tây Sơn có nữ tướng Bùi Thị Xuân, con gái cụ Bùi Đắc Chí người Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn (nay thuộc xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn).
Ở tuổi trăng tròn, Bùi Thị Xuân vừa có nhan sắc, vừa có sức mạnh, văn hay chữ tốt, thích làm con trai, múa kiếm đi quyền, muốn như bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi cầm quân dẹp giặc. Đến 15 tuổi, Bùi Thị Xuân đã điêu luyện võ nghệ. Mộng được như Bà Trưng, Bà Triệu càng nung nấu tâm hồn, Bùi Thị Xuân mở lò dạy võ, cưỡi ngựa, luyện voi thu hút rất đông con gái trong vùng.
Ai về Bình Định mà coi,
Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền.
Câu ca đó có lẽ xuất xứ từ sự tích Bùi Thị Xuân.
Với đức độ và tài năng của cô gái họ Bùi, nhà Tây Sơn phong Bùi Thị Xuân làm Đô Đốc tướng quân thống lĩnh 5.000 binh mã và chỉ huy đội voi chiến. Sát cánh cùng Bùi Thị Xuân còn có các cô gái cũng nhan sắc văn võ song toàn là Trần Thị Lan, Bùi Thị Nhạn, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung, Võ Thị Huấn hợp thành “Ngũ phụng thư” (5 cô gái đẹp tài hoa). Đội nữ quân thiện chiến của Bùi Thị Xuân cùng với các đội quân tiên phong khác khi ra Bắc diệt quân Trịnh, khi vào Nam đánh chúa Nguyễn, diệt quân Xiêm, lúc thần tốc phá tan 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh giữa kinh thành Thăng Long, đâu đâu cũng bách chiến bách thắng, làm khiếp đảm quân thù.
Tháng 5 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ đem quân hạ thành Thuận Hóa của quân Trịnh. Một tháng sau, quân Tây Sơn tiến ra cố đô Thăng Long thực hiện khẩu hiệu “Phò Lê diệt Trịnh”. Sau nhiều chiến thắng vang dội, uy danh của Nguyễn Huệ thêm lừng lẫy, được vua Lê Hiển Tông (niên hiệu Cảnh Hưng 1740-1789) chọn làm phò mã và gả công chúa Ngọc Hân, phong là Bắc Bình Vương lúc 34 tuổi.
Tháng 7 năm Mậu Thân (1788), Hoàng thái hậu nhà Lê sang cầu viện triều đình Mãn Thanh, tái phục Lê Chiêu Thống. Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà, rước quân xâm lược nhà Thanh vào chiếm Thăng Long. Dựa thế quân Thanh, vua Lê trả thù tàn bạo những người đã theo Tây Sơn.
Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ xưng Hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung thân chinh ra Bắc lần thứ ba. Quân thủy bộ Tây Sơn thần tốc tiến ra Bắc, đúng như dự kiến và lời hứa hẹn của Quang Trung, ngày 7 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), sau khi quét sạch 29 vạn quân Thanh, đội quân bách chiến bách thắng của Quang Trung - Nguyễn Huệ đã hân hoan ăn Tết khai hạ tại kinh đô Thăng Long. Hoa đào làng Nhật Tân vẫn còn đang nở rộ khoe hương sắc mừng mùa xuân đại thắng, chấm dứt cuộc nội chiến Nam - Bắc triều và nạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối.
Dưới quyền trị vì của triều Quang Trung, nhiều chính sách về chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao đã được ban hành khá độc đáo, mở ra triển vọng mới cho một xã hội năng động hơn. Song chưa được bao lâu thì ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792) Quang Trung bị bệnh hiểm nghèo đột ngột từ trần lúc 40 tuổi đang đầy tài năng với những dự định lớn lao.
Nguyễn Huệ và Ngọc Hân chỉ sống hạnh phúc được 6 năm. Quang Trung yêu Ngọc Hân không chỉ vì trẻ đẹp, nết na mà còn vì trọng tài thơ văn nhạc họa và những kiến thức sâu rộng của nàng về thời cuộc quốc gia, tình yêu giữa họ càng nồng thắm. Cứ mỗi độ xuân về, người dân Thăng Long ngắm hoa đào nở lại nhớ đến cành đào Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung áo bào còn vương thuốc súng đã vội cho ngựa trạm mang cành đào Nhật Tân vào tận kinh thành Phú Xuân tặng người vợ yêu quý, báo tin đại thắng.
 
4. Hoàng đế Quang Trung mất, năm Quý Sửu (1793), Thái tử Nguyễn Quang Toản mới 11 tuổi, con trai đầu của Quang Trung và Chính cung Hoàng hậu, nối nghiệp vua cha, lấy niên hiệu Cảnh Thịnh (1793-1802). Đất nước lại rối ren, hoàng tộc nhà Lê chuyên quyền ở phía bắc, chúa Nguyễn khôi phục lực lượng rập rình rửa hận ở phía Nam.
Năm Kỷ Mùi (1799), chúa Nguyễn Phúc Ánh được người Pháp tiếp tay từ Gia Định kéo quân vượt biển đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn. Ba mẹ con Ngọc Hân bị bắt, Ngọc Hân uống thuốc độc quyên sinh lúc 29 tuổi, hai con nhỏ bị bức tử. Năm sau, Phúc Ánh đổi phủ Quy Nhơn thành dinh Bình Định, đổi ấp Tây Sơn thành ấp An Tây nhằm đề cao công cuộc “bình định” đánh đổ nhà Tây Sơn. Sau khi chiếm được Phú Xuân, ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802) quân Nguyễn tiến đánh Thăng Long, triều Tây Sơn đến đây tan rã. Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long (1802 - 1819), ra tay trả thù nhà Tây Sơn cực lỳ tàn bạo và hèn hạ. Hầu hết thân nhân của Quang Trung và những người hiền tài đã từng phụng sự nhà Tây Sơn đều bị hành hình, hai mẹ con nữ tướng Bùi Thị Xuân bị bắt cho voi giày, mộ vua Quang Trung táng tại phủ Dương Xuân trong kinh thành Phú Xuân bị quật lên, thành Hoàng Đế (cổ thành Đồ Bàn) bị triệt phá…
 
5. Dưới các vương triều nhà Nguyễn, địa danh Bình Định nhiều lần thay đổi tên gọi: Bình Định Định (1800), Bình Định trấn (1808), Quy Nhơn trấn (1813), Hoài Nhơn phủ (1831), Bình Định tỉnh (1832).
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng, chính thức xâm lược nước ta. Nhưng gặp phải sức kháng cự quyết liệt của nhân dân ta, nên thực dân Pháp phải chuyển vào tiến công Nambộ. Nhằm thực hiện ý đồ xâm lược, thực dân Pháp rắp tâm bắt vua Hàm Nghi, một ông vua yêu nước lên ngôi lúc 13 tuổi để chúng dễ bề xâm lược toàn cõi Việt Nam. Tháng 7 năm Ất Tỵ (1885), kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi được giải thoát lên vùng núi phía Tây Quảng Trị ra chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu, hào kiệt và nhân dân giúp vua cứu nước.
Tại Bình Định, hưởng ứng chiếu Cần Vương, từ giữa tháng 8-1885, dưới sự lãnh đạo của Đào Doãn Địch, nghĩa quân đã nổi dậy ở Phù Mỹ, Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Bình Khê…, cuối tháng 8 chiếm được thành Bình Định. Đầu tháng 9-1885, quân Pháp chiếm lại thành Bình Định, nhưng nghĩa quân vẫn làm chủ tình hình toàn tỉnh. Đào Doãn Địch rút quân về Bình Khê phối hợp với nghĩa quân Mai Xuân Thưởng chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài.
Mai Xuân Thưởng sinh năm 1860 tại làng Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Bình Khê. Đậu cử nhân Hán học khoa thi hương năm Ất Dậu (1885) lúc 25 tuổi. Cha là Mai Xuân Tín (tức Mai Văn Phẩm) đậu cử nhân Hán học năm Đinh Mùi (1847), làm quan Bố Chánh Cao Bằng. Mặc dù có học, đỗ đạt cao, nhưng Mai Xuân Thưởng không ra làm quan mà dấy binh khởi nghĩa hưởng ứng chiếu Cần Vương cứu nước.
Sau khi Đào Doãn Địch lâm bệnh chết, Mai Xuân Thưởng liên kết với nghĩa quân Bùi Điền ở Phù Mỹ, Tăng Bạt Hổ ở Hoài Ân thống nhất lực lượng chống Pháp và triều đình nhà Nguyễn. Dưới quyền thống lĩnh của Mai Xuân Thưởng, nghĩa quân Cần Vương Bình Định không những làm chủ tình hình toàn tỉnh mà còn phối hợp chiến đấu với nghĩa quân ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận từ cuối 1885 đến giữa 1886. Đầu năm 1887, gần 7.000 quân Pháp và Nam Triều đàn áp khốc liệt phong trào Cần Vương ở Bình Định, nhưng nghĩa quân vẫn ngoan cường chiến đấu trong các trận đánh quyết liệt ở Kim Sơn, Bồng Sơn, Phù Ly, Bàu Sấu, Thủ Thiện, Đồng Hươu…
Phong trào Cần Vương ở Bình Định là một trong những cuộc khởi nghĩa lớn của phong trào Cần Vương cả nước những năm 1885 – 1890, là đỉnh cao của phong trào này ở các tỉnh Nam Trung bộ.
Lực lượng chênh lệch quá lớn, trước sức đánh phá quyết liệt của Pháp và lính Nam Triều cùng những thủ đoạn nham hiểm của bọn Việt gian tay sai như Nguyễn Thân, Trần Bá Lộc, nghĩa quân thất thế, Mai Xuân Thưởng rút quân vào vùng núi Vân Canh giáp Phú Yên, sau đó bị vây bắt. Ngày 7 tháng 6 năm 1887, Mai Xuân Thưởng cùng 12 trợ thủ đắc lực bị chém đầu tại Gò Chàm, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn. Lúc đó ông mới 27 tuổi.
Phong trào Cần Vương bị đàn áp thảm khốc, nhưng các chiến sĩ yêu nước ở Bình Định không sờn chí. Phạm Toản lập căn cứ trong rừng sâu kéo dài cuộc chiến đấu đến năm 1890. Nguyễn Đa chạy vào An Giang tiếp tục chống Pháp, Tăng Bạt Hổ qua Xiêm, Trung Quốc, Nga rồi đưa cụ Phan Bội Châu sang Nhật cổ động phong trào Đông Du (1905-1908), Võ Trứ cùng Trần Cao Vân xây dựng lực lượng trong nông dân và sư sãi hai tỉnh Bình Định, Phú Yên, phát động cuộc khởi nghĩa sông Cầu (1895)…
Trước nạn xâm lược của thực dân Pháp, nhiều người con của quê hương Bình Định trên đất Nam bộ và Huế cũng có những nghĩa cử cao đẹp. Nguyễn Văn Viện cùng một số người trong hoàng tộc nhà Nguyễn tổ chức cuộc binh biến tại Huế bắt khâm sứ Pháp phải đầu hàng. Võ Duy Dương (biệt danh Ngũ Linh Dương, Thiên Hộ Dương), sau khi tham gia bảo vệ thành Gia Định và cuộc khởi nghĩa Trương Định đã về Đồng Tháp Mười lập căn cứ chống Pháp. Nguyễn Văn Lịch (tức Nguyễn Trung Trực) người con của Long An chánh quán Bình Định với chiến công lẫy lừng đốt cháy tàu “Hy vọng” của giặc Pháp. Trước lúc hy sinh ông đã nói một câu bất hủ: “Bao giờ đất Nam hết cỏ thì người Nam mới hết đánh Tây”…
Tiếp theo phong trào Cần Vương, những tháng giữa năm 1908, nhân dân nổi dậy chiếm các phủ, huyện lỵ Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Tuy Phước, An Nhơn, Bình Khê… Hơn 3 vạn nông dân bao vây thành Bình Định quyết liệt chống sưu cao, thuế nặng, đòi trừng trị bọn quan lại tham nhũng, bất chấp sự đàn áp, khủng bố của nhà cầm quyền. Sau cuộc khởi nghĩa 1885-1887, đây là cuộc nổi dậy mạnh mẽ, sôi sục trên quy mô toàn tỉnh, thực dân Pháp phải điều lính lê dương từ Hà Nội, Hải Phòng vào Bình Định đối phó. Cuộc đấu tranh chống sưu thuế từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi lan đến Bình Định thì ngọn sóng lại khởi lên mạnh mẽ hơn các nơi khác.
Những năm đầu thế kỷ XX, đồng bào các dân tộc miền núi đứng lên chống Pháp cướp đất lập đồn điền, chống sưu thuế. Cuộc khởi nghĩa của đồng bào Ba Na (Vĩnh Thạnh) và H’re (An Lão) kéo dài ngót 30 năm (1900-1929). Tuy quân Pháp đóng được một số đồn binh ở An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh nhưng chúng không khuất phục nổi đồng bào các dân tộc, không thể nào kiểm soát được vùng núi phía Tây Bình Định.
 
6. Trong xã hội có nhiều thành phần giai cấp, tầng lớp, tuy địa vị, hoàn cảnh, mức độ giàu nghèo khác nhau, nhưng tâm tư chung của người Bình Định là cố gắng tần tảo lo cho con em ăn học biết chữ để làm người có ích cho đời, đó là truyền thống hiếu học, đã sản sinh và nuôi dưỡng không ít trí thức thông tuệ, tài hoa, thanh bạch.
Dưới các triều đại phong kiến nhà Nguyễn, từ 1802 đến 1918 đã có 246 người Bình Định đậu cử nhân Hán học (1 Hoàng giáp, 5 Tiến sĩ, 3 Phó bảng). Trong đó có những người thành đạt lúc còn rất trẻ như Nguyễn Văn Hiển (Phù Cát, sinh 1826), cử nhân 20 tuổi, Hoàng giáp 21 tuổi; Lê Văn Chân (Phù Mỹ, sinh 1817) cử nhân 17 tuổi, tiến sĩ 25 tuổi; Trần Văn Chánh (Hoài Ân, sinh 1821), thủ khoa cử nhân (giải nguyên) 19 tuổi, tiến sĩ 20 tuổi; Hồ Sĩ Tạo (An Nhơn, sinh 1869) cử nhân 22 tuổi… Người đậu cử nhân trẻ tuổi nhất có Văn Vĩ 16 tuổi (sinh 1902), sau đó đi học ở Pháp, (con Văn Vĩnh Thiệu, quê Phù Cát, đậu cử nhân năm 1906)…
Từ năm 1852 vua Tự Đức mở trường thi Hương tại thành Bình Định (An Nhơn) chọn cử nhân các tỉnh Nam Trung bộ. Tại trường thi Bình Định, tính đến năm 1915 (đời vua Khải Định) đã tổ chức 23 kỳ thi Hương, 192 sĩ tử Bình Định đậu cử nhân, trong đó có 14 thủ khoa (giải nguyên) và 9 cử nhân nhì (á nguyên). Kỳ thi năm 1852 Bình Định có 11 người đậu trên tổng số 13 người dự thi trong khu vực, Cao Văn Tuấn (Tuy Phước) đậu thủ khoa. Kỳ thi năm 1867 đậu 14/18 người, Lê Đăng Đệ thủ khoa, Nguyễn Tạo cử nhân nhì (đều là người Phù Cát). Kỳ thi năm 1906, Lê Chuân (Hoài Ân) đậu thủ khoa lúc 23 tuổi…
“Học để làm người”, không ít bậc khoa bảng Bình Định mặc dù đỗ đạt cao, nhưng không màng danh lợi chốn quan trường mà chọn cuộc sống dân dã nơi bản quán, dạy học, làm thuốc trong cảnh điền viên thanh bạch. Chính họ là những người hướng dẫn dư luận xã hội, đứng về phía nhân dân chống cường quyền, áp bức, bất công. Cũng có người làm quan, nhưng cương trực, khí khái “tâm bất phục, khẩu bất phục” can tội chống đối triều đình, bị giáng chức, miễn chức như Tuần vũ Lê Văn Chân (Phù Mỹ), Tri phủ Trần Văn Chánh (Hoài Ân), Tri huyện Trần Đức Tú, Nguyễn Văn Thạch (Tuy Phước), Ngự sử Trần Kinh Vĩ (Phù Cát), Ngự sử Trần Văn Quang (Hoài Ân, anh ruột Trần Văn Chánh)… Lại có những si phu hào kiệt tỏ rõ thái độ phản kháng quyết liệt, lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại giai cấp thống trị và chế độ đương thời, như Mai Xuân Thưởng, Hồ Sĩ Tạo, lê Chuân…
Tiêu biểu cho giới trí thức Bình Định thời bấy giờ có Đào Tấn (1845-1907) người làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, đậu cử nhân năm 1867 lúc 22 tuổi, làm Tổng đốc Nghệ An. Với kiến thức uyên bác, tài năng đa dạng, Đào Tấn cùng nhiều lớp nghệ sĩ tài danh dòng tuồng cổ Bình Định đã góp phần xứng đáng đưa nghệ thuật sân khấu tuồng cổ Việt Nam phát triển lên đỉnh cao, đậm đà bản sắc dân tộc, mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Lúc còn ở Nghệ An và Huế, cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng là người bạn tri kỷ tâm đắc với nhà nghệ sĩ tài ba họ Đào.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được bổ làm Tri huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn, Bình Định) tháng 5-1909, là một vị quan nổi tiếng thanh liêm và thương dân. Nguyễn tất Thành vào Bình Định thăm cha, ở nhà cụ Phạm Ngọc Thọ (thân sinh cố Bác sĩ Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch) tại Quy Nhơn học thêm tiếng Pháp. Khoảng 7/1910, Nguyễn Tất Thành chia tay cha, rời Bình Định vào dạy học tại trường Dục Thanh ở Phan Thiết một thời gian ngắn rồi vào Sài Gòn sang Pháp (1911). Sau này được biết về sự kiện đó, nhân dân và tuổi trẻ Bình Định rất vinh dự và tự hào vì trước khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ kính yêu đã có một thời gian dừng chân ở Bình Định, quê hương của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và người anh hùng dân tộc “áo vải cờ đào” Quang Trung - Nguyễn Huệ.
 
7. Bên cạnh nghệ thuật tuồng cổ đặc sắc, Bình Định còn là mảnh đất màu mỡ cho văn hóa dân gian nảy lộc đâm chồi, đơm hoa kết trái. Ca dao, dân ca, tục ngữ, hò vè, hát lý, hát kết, hát bá trạo, bài chòi, chuyện cười, hơ-mon… ấm áp tình người, nồng thắm hương vị và cảnh sắc quê hương xứ dừa. Những lễ hội dân gian như đổ giàn, đua ngựa, bơi thuyền, múa lân, đâm trâu, đấu võ… bừng bừng khí thế lao động và tinh thần thượng võ. Trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian mang tính quần chúng rộng rãi đã đọng lại biết bao lời hẹn ước, chớm nở biết bao tình yêu đôi lứa.
Bình Định còn là nơi sản sinh và nuôi dưỡng tâm hồn những nhà thơ, nhà văn tên tuổi đã có những đóng góp xứng đáng vào nền văn học Việt Nam cận đại và hiện đại như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… Từ sau Cách mạng tháng 8/1945, dưới đường lối giáo dục cách mạng của Đảng đã xuất hiện một lớp trí thức mới “hồng thắm chuyên sâu”, không ít thanh thiếu niên sinh trưởng trên đất Bình Định được đào tạo trong và ngoài nước, trở thành những nhà khoa học có học hàm học vị cao, cống hiến trí tuệ, tài năng và sức lực vào sự nghiệp xây dựng đất nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong thời đại mới. Tiêu biểu trong đội ngũ trí thức đó có Phan Phải, Nguyễn Đình Tứ, Đặng Hữu, Nguyễn Cang…
Với bàn tay và khối óc, trí thông minh và lòng dũng cảm, trải qua quá trình lao động và chiến đấu lâu dài, các thế hệ người Bình Định đã xây dựng vùng đất hoang sơ này trở thành trù phú, kinh tế ngày càng phát triển, xã hội ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Hơn 5 thế kỷ xây dựng và bảo vệ  quê hương kể từ khi hình thành phủ Hoài Nhơn (1471), vùng đất nguyên thủy của tỉnh Bình Định ngày nay, kế thừa và phát huy những tinh hoa, truyền thống tốt đẹp của các thế hệ ông cha qua chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để gây dựng, phát triển và cải thiện, dân sinh, từng bước đẩy lùi nghèo nàn và lạc hậu, cũng như trong đấu tranh chống cường quyền, áp bức, bất công và xâm lược, trong bản sắc chung của dân tộc Việt Nam, lớp lớp người Bình Định đã được giáo dục, rèn luyện, hun đúc nên những nhân cách, phẩm chất cao quý: Thượng võ, yêu nước, ghét áp bức bất công, dám xả thân vì nghĩa lớn; hiếu học, thông minh, cần cù, sáng tạo; nhân hậu thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình; đồng tâm hiệp sức, tự lực tự cường để xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trường tồn…